“Đây có lẽ là tình huống chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại, khi lãi suất ngân hàng trung ương cao gấp 2,5 lần lạm phát và vẫn không chậm lại”, một chủ doanh nghiệp nói.
Tình trạng trộm cắp bơ trong các cửa hàng và siêu thị đã diễn ra sau khi giá bơ tại Nga tăng cao. Ảnh: Licensor
Tạp chí Fortune (Mỹ) đưa tin, trong nỗ lực ngăn chặn lạm phát tăng cao, Ngân hàng Trung ương Nga hồi tuần trước đã dừng mọi hoạt động mua ngoại tệ trong thời gian còn lại của năm nay, đồng thời tích cực bán đồng nhân dân tệ Trung Quốc với hy vọng hỗ trợ đồng rúp Nga, mục đích là tạo ra một mức sàn cho đồng rúp và kiềm chế áp lực giá do chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng cao.
"Quyết định này nhằm mục đích giảm sự biến động trên thị trường tài chính", Ngân hàng Trung ương Nga cho biết hôm 27/11.
Tỷ lệ lạm phát tại Nga đạt mức đỉnh điểm theo năm trên 9% vào tháng 8, và tiếp tục duy trì ở mức cao. Ảnh: express.co.uk
Vào ngày 27/11, đồng rúp đã giảm xuống dưới mức 114 rúp đổi 1 đô la, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2022. Nhật báo Rossiyskaya Gazeta (Nga) gọi đây là "cơn hoảng loạn đối với thị trường tiền tệ Nga".
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov lập luận rằng sự sụt giảm này sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu - những người có hàng hóa đột nhiên rẻ hơn nhiều đối với người tiêu dùng nước ngoài.
Nhưng theo Fortune, đồng rúp yếu cũng sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu lạm phát do giá hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài tăng cao.
Nền kinh tế Nga cũng đang phải chịu đựng tình trạng thiếu đầu tư nước ngoài do lệnh trừng phạt của phương Tây cấm các công ty kinh doanh với Nga. Với việc hầu hết các tổ chức tài chính của Nga đã bị loại khỏi giao dịch bằng đô la Mỹ, Nga hiện không có nguồn cung dự trữ tiền tệ ổn định bằng đồng tiền Mỹ.
Theo số liệu chính thức của Nga, tỷ lệ lạm phát tại nước này đạt mức đỉnh điểm theo năm trên 9% vào tháng 8, và tiếp tục duy trì ở mức cao.
Trích dẫn dữ liệu từ các nhà phân tích của ngân hàng Raiffeisen và công ty nghiên cứu thị trường ROMIR (Nga), nhà khoa học chính trị người Nga Kirill Rogov tin rằng những con số này có thể đang đánh giá thấp vấn đề và tỷ lệ lạm phát thực tế có thể cao hơn đáng kể.
Theo Fortune, thông báo của Ngân hàng Trung ương Nga được đưa ra một tuần sau khi chính phủ Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với ngân hàng Gazprombank của Nga. Trước đó, ngân hàng này có quyền miễn trừ vì đóng vai trò quan trọng hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang một số đồng minh châu Âu của Mỹ bằng cách xử lý các khoản thanh toán xuyên biên giới.
Nga tăng lãi suất cao chưa từng thấy trong 20 năm
Fortune đưa tin, lạm phát bắt đầu tăng mạnh ở Nga sau khi Moscow đưa hàng trăm nghìn công dân nam trong độ tuổi lao động ra tiền tuyến ở Ukraine và huy động ngành công nghiệp trong nước hỗ trợ các mục tiêu quân sự.
"Chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp lại thấp tới 2,4%", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nói với các nhà lập pháp tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) vào đầu tháng 11. "Chúng ta hiện đang ở trong một lãnh thổ chưa từng có, khi hầu hết các cơ sở sản xuất đều hoạt động hết công suất."
Với số lượng lao động ít hơn, tiền lương trong nền kinh tế dân sự Nga tăng mạnh. Chi phí lao động tăng nhanh chóng ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi nguồn cung phải rất khó khăn để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo Fortune, giá tiêu dùng tại Nga đang tăng vọt. Giá các mặt hàng chủ lực như khoai tây đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 12 năm ngoái. Bơ đã tăng giá 27,5% trong năm nay và hiện đắt đến mức các cửa hàng đã phải áp dụng nhiều biện pháp chống lại tình trạng trộm cắp mặt hàng này.
Các khoản vay thế chấp cũng tăng vọt sau khi chính phủ Nga dừng các khoản trợ cấp hào phóng để mua nhà ở hồi tháng 7.
“Lạm phát đã liên tục tăng cao trong năm thứ tư liên tiếp”, bà Nabiullina nói với các nhà lập pháp, đồng thời nói thêm rằng “hầu như mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn: nguyên liệu thô, linh kiện, hậu cần, thiết bị, nhân công”.
Phản ứng của Ngân hàng Trung ương Nga trước những áp lực này là tăng lãi suất cơ bản thêm hai điểm phần trăm lên mức 21% hồi tháng 10, mức chưa từng thấy kể từ năm 2003.
Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa đủ để hạ nhiệt lạm phát cũng như ngăn chặn sự sụt giảm liên tục của đồng rúp. Bởi vậy, nhật báo kinh doanh RBK (Nga) hồi tuần trước đã lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất cơ bản lên mức cao ngất ngưởng từ 30% đến 40% để hỗ trợ đồng rúp, ngay cả khi điều này có nguy cơ làm chậm lại tăng trưởng.
Nhưng không phải ai cũng tán đồng việc này. Alexey Mordashov - chủ tịch công ty thép Severstal, một nhà cung cấp nguyên liệu cần thiết cho nỗ lực chiến tranh của Nga - cho biết lãi suất vay cao đã gây khó khăn, thậm chí tệ hơn khi hiệu quả đạt được tương đối ít.
“Đây có lẽ là tình huống chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại, khi lãi suất ngân hàng trung ương cao gấp 2,5 lần lạm phát và vẫn không chậm lại”, Mordashov nói. “Giống như thuốc còn có hại hơn cả bệnh vậy.”
Hữu Hiển
Đời sống & pháp luật
© 2024 | Thời báo PHÁP