Một trong những nguyên nhân của xu hướng này là do bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng và chi phí sản xuất cũng tăng. Nhiều công ty đang "chuyển hoạt động sản xuất về nước" hoặc chuyển sang các nước gần hơn.
Một cuộc khảo sát của công ty Bain & Company với 166 CEO và COO cho thấy tỷ lệ các công ty đang chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc đã tăng vọt từ mức 55% vào năm 2022 lên 69% vào năm 2024.
Thậm chí, nó còn chỉ ra rằng ngay cả trước khi ông Donald Trump giành chiến thắng và lên kế hoạch áp thuế quan mạnh tay, các công ty hàng đầu đã có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn.
Theo nghiên cứu, điểm đến hàng đầu của những công ty này là Ấn Độ, với 39% CEO đồng thuận. Tiếp theo là 16% chuyển đến Mỹ hoặc Canada, 11% đến Đông Nam Á, 10% đến Tây Âu và 8% đến Mỹ Latinh.
Trong khi đó, nhiều công ty đang "chuyển hoạt động sản xuất về nước" hoặc chuyển sang các nước gần hơn.
Cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 7 cho thấy tỷ lệ công ty có kế hoạch tổ chức lại các hoạt động sản xuất và phân phối sao cho gần với khu vực tiêu thụ sản phẩm hơn đã tăng từ 63% năm 2022 lên 81% trong năm nay. Điều đó cũng bao gồm xu hướng mới nổi là split-shoring (kết hợp giữa sản xuất ở nước ngoài và sản xuất "gần nhà".
Tỷ lệ các công ty đang chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc đã tăng lên 69% vào năm 2024. Ảnh: SCMP
Tại sao?
Bain cho rằng nguyên nhân của xu hướng này là do bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng và chi phí sản xuất cũng tăng. Nhưng đối với các công ty Mỹ, chiếm 39% cuộc khảo sát, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022 là một yếu tố khác thúc đẩy việc chuyển sản xuất về nước.
IRA là một trong những thành tựu chính sách mang tính biểu tượng của Tổng thống Joe Biden. Đạo luật này cung cấp các ưu đãi và tín dụng thuế trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ năng lượng xanh. Một sáng kiến khác của ông Biden là Đạo luật CHIPS cũng khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Chắc chắn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về chuỗi cung ứng của các công ty. Cuộc khảo sát năm 2022 của Bain cho thấy các yếu tố địa chính trị, bao gồm thuế quan, quy định và lạm phát là những yếu tố được cân nhắc hàng đầu. Nhưng điều kiện lao động, khí hậu, đặc điểm môi trường, cũng như rủi ro thảm họa như thiên tai và mối đe dọa sức khỏe, cũng là những yếu tố được quan tâm nhiều.
Rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy Trung Quốc đã trở nên rõ ràng khi ông Trump áp thuế đối với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, như một phần trong chính sách kinh tế "Nước Mỹ trên hết" của ông. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 cũng làm nổi bật nhu cầu đa dạng hóa hơn.
Sau đó, ông Biden vẫn giữ nguyên thuế quan của ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, áp các biện pháp hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc và khuyến khích sản xuất trong nước nhiều hơn. Và trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Trump cũng tuyên bố sẽ tăng thuế quan trên diện rộng, bao gồm cả thuế quan "cứng rắn" hơn đối với Trung Quốc.
Thuế quan của ông Trump và nền kinh tế Trung Quốc
Mức thuế quan cao hơn của Mỹ đối với Trung Quốc có thể giáng một đòn nghiêm trọng nữa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng bất động sản, khó khăn về nợ nần và thậm chí là tình trạng giảm phát.
Nguyên nhân là do xuất khẩu là một trong những động lực kinh tế quan trọng của Trung Quốc, mặc dù hàng loạt biện pháp kích thích của Bắc Kinh đã cho thấy một số dấu hiệu thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, làn sóng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc đã thúc đẩy các quốc gia khác áp đặt thêm nhiều rào cản thương mại đối với Bắc Kinh.
Trong khi đó, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc cũng giảm trong ba năm và tiếp tục giảm trong quý trước. Bất chấp những nỗ lực phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc, đầu tư nước ngoài đã giảm 13 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Theo Fortune/Kinh tế Đô thị
© 2024 | Thời báo PHÁP