Theo kết quả khảo sát, nhân sự Việt đang cảm thấy bất an về công việc của mình vì áp lực tài chính, 74% nhân sự cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu.
Đó là nội dung trong báo cáo độc quyền "Onto the next step - Bước nhảy thời cuộc" của Anphabe, công ty tư vấn về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc.
Báo cáo đã khảo sát 253 CEO (giám đốc điều hành) và giám đốc nhân sự, nhằm cập nhật những xu hướng và thực hành cấp tiến nhất về nhân tài, nguồn nhân lực và môi trường làm việc tại Việt Nam.
Chỉ số hạnh phúc của nhân sự Việt ngày càng giảm, phần lớn vì nỗi lo tài chính (Ảnh: Shutterstock).
Tài chính là nỗi lo lớn nhất của nhân viên
Theo Anphabe, năm 2024, chỉ số hạnh phúc của nhân sự Việt đang giảm ở mức thấp nhất trong suốt 5 năm qua. Tính đến quý 3/2024, chỉ có 49% nguồn nhân lực Việt có các chỉ số hạnh phúc tích cực. Trong đó, hai chỉ số "cảm thấy niềm vui và sự hứng khởi trong công việc" và "không cân nhắc tìm công việc khác" giảm lần lượt xuống 39% và 43%.
Một trong những nguyên nhân được cho là đến từ áp lực tài chính. Ngày nay, tài chính cá nhân đang là mối lo lớn nhất với người lao động.
Trong số 3 nhân viên thì chỉ có 1 người có "sức khỏe tài chính" tích cực. Thậm chí, đến 74% nhân sự Việt cảm thấy thu nhập hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu.
Nỗi lo tài chính là nguyên nhân lớn khiến nhân sự dễ nghỉ việc hơn (Ảnh: Anphabe).
Việc tích lũy để sở hữu những tài sản lớn như nhà ở càng trở nên khó khăn hơn, trong bối cảnh giá cả leo thang và chế độ đãi ngộ hạn chế.
Hơn một nửa nhân sự Việt cho rằng công ty đang trả lương không công bằng, khiến họ lo ngại về sự ổn định về tài chính trong tương lai. Chỉ có 35% người lao động thoải mái sống dựa vào tiền lương hằng tháng, số còn lại phải làm thêm công việc tự do, đầu tư hoặc "cầu cứu" sự hỗ trợ từ gia đình.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng tại Anphabe, cho biết nhiều khoản thu nhập không ổn định sẽ khiến những nhân viên có "sức khỏe tài chính" thấp càng có ý định nghỉ việc. Theo khảo sát, nhóm nhân sự này có ý định nghỉ việc trong 6 tháng tới cao gấp 4 lần so với những nhóm khác.
"Kể cả những nhân viên cảm thấy hạnh phúc trong công việc, hơn một nửa trong số họ vẫn sẵn sàng chuyển việc nếu nhận được chế độ đãi ngộ cao hơn công ty cũ. Bởi họ rất xem trọng một công việc tạo cảm giác an toàn về tài chính cho họ. An toàn tài chính ở đây là nếu có sự cố bất ngờ ập tới, họ vẫn an tâm vì có đủ khả năng xử lý", bà Thanh Nguyễn nói.
Làm gì để cải thiện hạnh phúc nhân viên?
Bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc nghiên cứu tại Intage Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động trong thế giới BANI - một hình thái mới mang đến sự phức tạp và bất định sâu sắc hơn.
Vị chuyên gia lý giải rằng "B" trong BANI là "Brittle", các hệ thống tưởng chừng bền vững nhưng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. "A" là "Anxious", lượng thông tin quá tải và tốc độ thay đổi chóng mặt khiến ai nấy đều trở nên bất an. "N" là "Nonlinear", quy luật nhân - quả không còn đúng, mọi biến đổi trở nên khó đoán trước. "I" là "Incomprehensible", quyết định và sự kiện trở nên khó nắm bắt hơn.
"Để giữ chân nhân sự, doanh nghiệp phải thấu hiểu những khó khăn mà họ đang đối mặt, đặc biệt là nỗi lo lớn nhất - tài chính", bà Lưu Bảo Vân chia sẻ.
Những kỹ năng mà nhân sự Việt cần cải thiện và đáp ứng trong thời đại ngày nay (Ảnh: Anphabe).
Theo Giám đốc nghiên cứu tại Intage Việt Nam, lời khuyên để doanh nghiệp cải thiện chỉ số hạnh phúc của nhân viên bao gồm tăng cường phúc lợi như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn; tổ chức kiểm tra sức khỏe chuyên sâu, tầm soát thay vì kiểm tra định kỳ; hỗ trợ bảo hiểm mở rộng cho cả gia đình của nhân viên.
Đồng thời, doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhân viên tiếp cận với các nguồn vay vốn để trang trải các khoản chi phí lớn; tăng tỷ lệ tăng lương, đảm bảo công bằng về đãi ngộ; cung cấp những hỗ trợ về giáo dục; đề xuất những phần thưởng linh hoạt (như phòng tập gym, F&B…); tặng thêm ngày nghỉ phép; quỹ lương hưu…
"Doanh nghiệp cũng có thể tổ chức đào tạo trực tuyến, kích thích nhân viên tự học về những kiến thức tài chính, tăng khả năng đưa ra chiến lược tài chính hiện tại và tương lai", bà Lưu Bảo Vân nhấn mạnh.
Bên cạnh số liệu về chỉ số hạnh phúc của nhân sự Việt và những lời khuyên để cải thiện chỉ số này, báo cáo của Anphabe còn thể hiện tình hình chung của thị trường nhân sự.
Trong năm 2024, có 33% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay sẽ mở rộng nguồn nhân lực trong thời gian sắp tới. Đáng chú ý, chỉ có 9% đơn vị chia sẻ họ sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự. Số lượng nhân sự được tăng lương trong năm nay cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo PHÁP