Sự thật trớ trêu : Bố mẹ đầu tư tiền tỷ đi du học, con về nước làm lương tháng vài triệu

Rất nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra tiền tỷ đầu tư cho con đi du học nhưng khi về nước đổi lại con chỉ làm công việc nhận mức lương vài triệu. Phải chăng đây đang là nghịch lý của câu chuyện du học?

132 1 Su That Tro Treu  Bo Me Dau Tu Tien Ty Di Du Hoc Con Ve Nuoc Lam Luong Thang Vai Trieu

Câu chuyện này thực sự đã xảy ra rất nhiều ở Việt Nam. Đơn cử như trường hợp của ông Thăng (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Chính ông Thăng cũng phải than lên rằng: "Tốn gần 5 tỷ đồng cho nó ăn học bên kia 4 năm mà giờ vẫn phải lo xin việc, quá lỗ".

Theo đó, ông Thăng làm việc cho tập đoàn đa quốc gia, thu nhập khá cao và được dồn hết cho việc học của cậu con trai đầu.

Sau khi con tốt nghiệp cấp 3, ông cho sang Mỹ học tài chính ngân hàng với mong muốn sau này con có thể định cư bên đó hoặc về nước thì cũng dễ kiếm được một công việc tốt với lương cao

Thế nhưng năm 2015, sau khi tốt nghiệp, mấy tháng ở lại nhưng không xin được việc, con trai ông Thăng về nước.

Sau 3 tháng nghỉ ngơi, chàng trai 23 tuổi cũng rải hồ sơ xin việc ở nhiều công ty nhưng nơi thì từ chối vì đòi hỏi kinh nghiệm, chỗ thì trả lương quá thấp. Cuối cùng sau ít tháng, cậu chấp nhận một công việc trái ngành, lương khởi điểm chỉ 4 triệu đồng nhưng cũng chỉ được 3 tháng thì xin nghỉ vì thấy quá gò bó.

Trước cảnh thất nghiệp của con, ông Thăng sốt ruột lại rút khoản tiết kiệm dự phòng để chạy cho con vào làm ở một ngân hàng. Dẫu ông Thăng biết rằng, lương ở đó ban đầu cũng thấp thôi nhưng còn đúng chuyên ngành con học và có cơ hội phát triển. Còn hơn cứ nhìn con vật vờ, chán nản.

Hay còn cảnh oái ăm như của gia đình ông Quân ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Theo đó, cậu con trai đi du học châu Âu về nhất định không vào làm ở một công ty do bố nhắm trước mà lại đòi đi tu.

Ông Quân chia sẻ, vợ chồng ông 7 năm nay phải thắt lưng buộc bụng để lo cho con học nước ngoài, hết đại học rồi lên cao học, thế mà giờ xong con phán một câu là không hợp ngành kinh doanh tính toán, chỉ muốn sống bình an theo nghiệp tu hành.

Khi bị bố thúc ép đi làm, cậu con trai còn phản đối quyết liệt bằng cách dọa tử tử. Trước tình cảnh này, bố mẹ đang phải cầu cứu nhà tâm lý để mong lay chuyển được ý định của con.

Có lẽ không chỉ riêng chuyện nhà ông Thăng, ông Quân mà hiện nay rất nhiều gia đình gặp phải cảnh tương tự.

Theo đó, nhiều du học sinh khi trở về nước không tìm được việc hoặc làm công việc không phát huy hết tiềm năng, lương thấp.

132 2 Su That Tro Treu  Bo Me Dau Tu Tien Ty Di Du Hoc Con Ve Nuoc Lam Luong Thang Vai Trieu

Ông Hoàng Huy, giám đốc marketing một công ty du lịch tại TP HCM.

Nói về điều này, theo ông Hoàng Huy, giám đốc marketing một công ty du lịch lớn tại TP HCM, nhiều bạn chưa định vị được chính xác bản thân mình trong môi trường mới. Theo đó, anh thấy một số bạn đặt quá nhiều kỳ vọng,

thậm chí có người ảo tưởng nghĩ mình học trường hàng đầu ở nước ngoài thì về nước phải làm CEO hay vị trí quản lý cấp cao mới xứng, trong khi năng lực và kinh nghiệm chưa đáp ứng.

Cũng có nhiều bạn học ở Tây về là thích nói chuyện chiến lược, chuyện vĩ mô nhưng những câu chuyện nho nhỏ của thực tế công việc lại chưa hiểu nhiều.

Do vậy, theo anh Huy du học là sự đầu tư cần tính toán kỹ nhất bởi "vốn" bỏ ra rất lớn - là tâm huyết, thời gian, tiền bạc và trí lực của cả người học lẫn gia đình - còn lợi nhuận thu về chính là chất lượng cuộc sống của người đó sau khi tốt nghiệp.

Đã có nhiều gia đình Việt chưa cân nhắc kỹ lưỡng những điều này mà "đầu tư" theo hiệu ứng đám đông, chạy theo trào lưu.

Thế nên khi cho con đi du học, phụ huynh thường phải đầu tư cả vài tỷ, khi con ra trường, đi làm lương chỉ vài triệu thì ai cũng sốc.

132 3 Su That Tro Treu  Bo Me Dau Tu Tien Ty Di Du Hoc Con Ve Nuoc Lam Luong Thang Vai Trieu

Thạc sĩ Lã Linh Nga, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội).

Còn theo Thạc sĩ Lã Thị Linh Nga, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội), việc người trẻ sau khi du học về chưa lập tức thành công cũng là điều hết sức bình thường.

Bởi khi quay lại Việt Nam, phần lớn du học sinh đều cảm thấy không nhiều thì ít có sự hẫng hụt.

Khi ra đi, họ tới các nước phát triển, văn minh và tươi đẹp hơn về cả cảnh sắc, môi trường sống và làm việc, ứng xử. Khi về Việt Nam, thấy sự khác biệt quá lớn, cả trong cách suy nghĩ, làm việc nên họ dễ chán nản, thất vọng.

Với những người có ý chí, khả năng thích ứng tốt hay bị thôi thúc phải làm việc để mưu sinh thì sẽ nhanh chóng hòa nhập. Còn một số khác như con cái những gia đình giàu có, nếu không biết mình muốn gì, thì thiếu động lực để vượt qua.

Thậm chí nhiều người không chấp nhận được việc mình có tấm bằng ngoại nhưng lại bị trả lương thấp, làm việc không đúng chuyên ngành, không "xứng tầm" nên không đi làm.

Do vậy theo các chuyên gia, phụ huynh nên hiểu điều này để giúp con định hướng ngay từ trước khi đi và sớm thích ứng lúc quay về.

Trước khi cho con du học, cha mẹ cần chú ý hướng nghiệp dựa trên sở thích, năng lực của con và điều kiện thực tế của gia đình, môi trường sống.

132 4 Su That Tro Treu  Bo Me Dau Tu Tien Ty Di Du Hoc Con Ve Nuoc Lam Luong Thang Vai Trieu

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Giảng viên Khoa Khoa học giáo dục, ĐH Sư Phạm TPHCM. Ảnh: NVCC.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Giảng viên Khoa Khoa học giáo dục, ĐH Sư Phạm TPHCM, để tránh khoản đầu tư cho du học thành "công cốc", phụ huynh và học sinh cần chuẩn bị nhiều thứ hơn là chỉ nhằm đạt được cái bằng ngoại.

Phải xác định rõ cạnh tranh diễn ra ở mọi nơi nên chuyện xin việc và ở lại xứ người không dễ. Ở trong nước, nhà tuyển dụng luôn cần người làm được việc ngay nên nếu du học sinh tích luỹ được kinh nghiệm qua các việc làm thêm hoặc thực tập thì là lợi thế.

Không chỉ vậy, bố mẹ cũng cần thay đổi quan điểm. Cho con đi du học trước hết là để con trải nghiệm môi trường mới, tích luỹ kiến thức chuyên môn cập nhật và hàng loạt các kỹ năng nghề nghiệp lẫn kỹ năng mềm khác mà chương trình đào tạo trong nước chưa đáp ứng.

DANTRI

 

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài