Xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư

Bắt đầu ngày 22/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt) và 49 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán...

1 Xet Xu Vu An Trinh Van Quyet Chiem Doat Hon 3600 Ty Dong Cua Cac Nha Dau Tu

Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết hầu tòa sáng 22/7.

Có 8 bị cáo hầu tòa về cả 2 tội trên gồm Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết), Trịnh Thị Thúy Nga (kế toán Tập đoàn FLC, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán BOS), Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty BOS)…

22 bị cáo bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 13 bị cáo bị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Một số bị cáo còn lại bị truy tố về tội Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trước đó, tòa án triệu tập gần 100.000 người gồm bị hại là các nhà đầu tư và người liên quan tới phiên tòa. Tuy nhiên, có khoảng 30 người có mặt.

NÂNG VỐN KHỐNG, CHIẾM ĐOẠT HƠN 3.600 TỶ ĐỒNG

Cáo trạng thể hiện, ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, năm 2012, Trịnh Văn Quyết có chủ trương mua lại Công ty Green Belt, sau này là Công ty Faros với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng.

Công ty Faros làm đơn vị tổng thầu các dự án do FLC là chủ đầu tư. Mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Faros do ông Quyết chỉ đạo, điều hành trực tiếp thông qua Doãn Văn Phương (Tổng giám đốc FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros) và Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết).

2 Xet Xu Vu An Trinh Van Quyet Chiem Doat Hon 3600 Ty Dong Cua Cac Nha Dau Tu

Dàn luật sư bào chữa tham gia tố tụng.

Quá trình hoạt động, ông Quyết đã chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán để bán ra thị trường cho các nhà đầu tư. Với mục đích trên, ông Quyết giao cho Huế soạn thảo toàn bộ biên bản họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ, sử dụng vốn góp rồi chuyển cho các thành viên ký hợp thức.

Các bị cáo soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi... nhờ các cá nhân đứng tên cổ đông nhằm mục đích hợp thức thành tài sản công ty. Với phương thức trên, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, các bị cáo đã 5 lần lập hồ sơ góp vốn khống, nâng vốn điều lệ công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra làm rõ, số vốn thực góp công ty là 1.197 tỷ đồng, số vốn góp khống là hơn 3.100 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất việc nâng vốn, các bị cáo Quyết và Phương tiếp tục bàn bạc niêm yết cổ phiếu Công ty Faros trên sàn chứng khoán.

Để niêm yết cổ phiếu, Công ty Faros phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014,2015 và 6 tháng 2016. Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (viết tắt là CPA Hà Nội) là đơn vị kiểm toán cho Công ty Faros đã chấp nhận ý kiến toàn phần.

Khi hồ sơ được nộp lên UBCKNN thì cơ quan quản lý phát hiện báo cáo tài chính, xác nhận kiểm toán còn nhiều mâu thuẫn, yêu cầu Công ty CPA Hà Nội kiểm toán lại.

Cáo buộc thể hiện, bị cáo Lê Văn Tuấn, kiểm toán viên và Nguyễn Ngọc Tỉnh, Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội không thực hiện kiểm toán lại, tiếp tục bản hành kiểm toán độc lập mới với nội dung”chấp nhận toàn phần”, chỉ bổ sung mục “Lưu ý người đọc báo cáo tài chính”.

Cơ quan tố tụng xác định, Trịnh Văn Quyêt và các đồng phạm đã sử dụng báo cáo kiểm toán trên để làm hồ sơ đề nghị và được niêm yết cổ phiếu Công ty Faros trên sàn HOSE, từ đó thực hiện hành vi bán 391.155.480 cổ phiếu khống, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để xác minh, lấy lời khai bị hại. Kết quả điều tra xác định có 133 bị hại/30.403 bị hại hiện đang sở hữu 627.090 cổ phiếu ban đầu với tổng giá trị khi mua là hơn 2,2 tỷ đồng. Có 95/133 bị hại có yêu cầu bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng.

THAO TÚNG CHỨNG KHOÁN THU LỜI HƠN 684 TỶ ĐỒNG

Ở tội Thao túng thị trường chứng khoán, Viện kiểm sát cáo buộc các bị cáo thao túng 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI,GAB, FLC, ART để thu lời bất chính số tiền hơn 723 tỷ đồng.

3 Xet Xu Vu An Trinh Van Quyet Chiem Doat Hon 3600 Ty Dong Cua Cac Nha Dau Tu

Tòa án dựng rạp ngoài trời, chiếu màn hình cho các nhà đầu tư theo dõi.

Theo cáo trạng, vì muốn thu lời bất chính trên sàn chứng khoán, theo chỉ đạo của anh trai, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) liên hệ với 45 cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân ký giấy tờ, thủ tục để thành lập 20 công ty, mở 500 tài khoản chứng khoán để thực hiện các hành vi mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp nội nhóm, mua bán khối lượng lớn, chi phối thị trường; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo cung cầu giả tạo.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi thao túng mã AMD diễn ra trong giai đoạn từ ngày 26/5/2017 đến ngày 13/7/2017, trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Cơ quan điều tra đề nghị UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Như vậy, số tiền Trịnh Văn Quyết và các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thao túng 4 mã HAI, GAB, ART, FLC là hơn 684 tỷ đồng.

VNEconomy

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài