Việt Nam bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc

Một lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc tuyên bố áp dụng trên Biển Đông từ ngày 01/5-16/8/2019 đã bị Việt Nam "kiên quyết bác bỏ", theo truyền thông nhà nước.

132 1 Viet Nam Bac Bo Lenh Cam Danh Bat Ca Cua Trung Quoc

Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố nước này bác bỏ lệnh cấm được cho là quyết định đơn phương của Trung Quốc

Hôm 04/5/2019, tờ Quân đội Nhân dân phiên bản điện tử từ Hà Nội dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm thứ Bảy cho hay:

"Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc."

Trang mạng VnExpress cùng ngày cho biết thêm chi tiết về lệnh cấm của Trung Quốc:

"Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngày 1/5 thông báo bắt đầu đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kéo dài ba tháng rưỡi trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.

"Trung Quốc ngang nhiên áp dụng lệnh cấm này với ngư dân trong nước và ngư dân nước khác, tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp bị coi là vi phạm."

Phản đối

 132 2 Viet Nam Bac Bo Lenh Cam Danh Bat Ca Cua Trung Quoc

Khu vực Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông theo đồ họa Google được VnExpress công bố

Bản tin trên trang nhà của Thông tấn xã Việt Nam hôm 04/5 cho hay:

"Ngày 4/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc áp dụng cấm đánh bắt cá từ ngày 01/5-16/8/2019 ở khu vực Biển Đông, trong đó bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

"Việt Nam cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan."

Hồi cuối tháng 3/2019, Hà Nội cũng đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc 'chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền' của Việt Nam, Báo Thế giới & Việt Nam cho biết:

"Bộ Ngoại giao cũng đã gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật và công bố kế hoạch xây dựng thành phố, căn cứ hậu cần chiến lược quan trọng tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam...

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hành động tương tự. Tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đào Hoàng Sa, Trường Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có các hoạt động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực. Việt Nam đã gặp và trao công hàm phản đối Trung Quốc về những sự việc này," tờ báo thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố hôm 28/3.

Nguồn: BBC

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài