Tác giả Thành Vân, cán bộ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, gửi Tuổi Trẻ Online bài viết về cố Giáo sư Đoàn Kim Sơn, người đặt nền móng cho sự ra đời của bộ môn hàng không vũ trụ tại 2 trường đại học của Việt Nam.
Giáo sư Đoàn Kim Sơn (phải) tại lễ trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD&ĐT năm 2010 – Ảnh: nhân vật cung cấp. Nhiều người đã từng nghe tên Giáo sư Đoàn Kim Sơn – người đặt viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của bộ môn hàng không vũ trụ tại hai trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa TP.HCM.
Khát khao đào tạo kỹ sư hàng không Việt
Nhớ lại, đầu thập niên 1990, Giáo sư Đoàn Kim sơn, khi đó là một chuyên gia làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Cơ khí Hàng không quốc gia Pháp (ENSMA) và Đại học Poitiers, trở về Việt Nam với khát khao cháy bỏng là đào tạo đội ngũ kỹ sư người Việt có khả năng nắm bắt kỹ thuật, công nghệ, sửa chữa được máy bay, phát triển nghiên cứu khoa học trong ngành hàng không không gian.
Ông cho rằng ít quốc gia có điều kiện để có thể đào tạo đội ngũ “kỹ thuật viên người bản xứ” như Việt Nam. Ông đã gặp rất nhiều người, “gõ nhiều cửa” để vận động, thuyết phục.
Những nỗ lực của ông đã được Cục Hàng không quốc gia Việt Nam hưởng ứng và tháng 10-1996 chuyên ngành về Hàng không vụ trụ đã chính thức được đưa vào giảng dạy tại 2 trường Đại học nêu trên.
Đến nay, gần 1.000 sinh viên đã tốt nghiệp, với tấm bằng tốt nghiệp tương đương với bằng cấp quốc tế. Nhiều người trong số họ được tiếp tục sang học chương trình đào tạo Kỹ sư và làm luận án Tiến sĩ tại Đại học ENSMA.
Trong suốt hơn hai chục năm qua, kể cả sau khi chính thức nghỉ hưu, Giáo sư Đoàn Kim Sơn đã không mệt mỏi vận động hỗ trợ cho chương trình, giúp đỡ học sinh Việt Nam.
Nhờ uy tín của mình, ông đã thúc đẩy, tạo sự hợp tác gắn kết đầy hiệu quả giữa hai trường Đại học của Việt Nam với Đại học ENSMA và Đại học Poitiers của Pháp.
Với những đóng góp to lớn này, Giáo sư Đoàn Kim Sơn đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao (2003), Bằng khen danh hiệu “Vinh danh đất Việt” (2005) và “Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Giáo dục” (2010) của Việt Nam…
Vào hồi 12h30 ngày 25-6-2018, Giáo sư Đoàn Kim Sơn đã đột ngột ra đi do không vượt qua được một cuộc phẫu thuật về tim, hưởng thọ 74 tuổi.
Lễ Truy điệu đã được tổ chức giản dị ngày 30-6 tại Nhà thờ Saint-Jean-de-Montierneuf, trong không khí nồng ấm của gia đình và bạn bè thân thiết, người Việt cũng như người Pháp.
Ba, bốn chục học sinh cũ của Giáo sư đã đến từ mọi miền nước Pháp để tiễn đưa người mà họ không chỉ coi là thầy, mà còn coi như người ông, người cha, người đỡ đầu.
Tất cả đều nhắc tới Thầy với một tình cảm gần gũi, yêu quý, trân trọng. Đại đa số đều đã từng được thầy chăm lo “từ A tới Z”, như lời của họ kể lại: từ việc xin học bổng, làm thủ tục cần thiết, kể cả đứng ra bảo lãnh đón sang Pháp, đưa đón về chỗ ở mà thầy đã thuê sẵn từ trước, hoặc đưa về nhà thầy ở tạm, tới việc thường xuyên tổ chức gặp mặt tại nhà thầy, để “đỡ nhớ quê hương”…
Giáo sư Đoàn Kim Sơn (hàng đứng, thứ ba từ phải sang) lúc sinh thời cùng phu nhân và các thế hệ học trò Việt Nam – Ảnh: nhân vật cung cấp Đau đáu về quê hương
Theo lời kể của người bạn đời chung thủy của Giáo sư, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, và các con, năm 1962 rời Bến Tre đi Pháp, với số tiền học bổng là 450 Franc Pháp, riêng tiền thuê nhà hết 205 Franc, hai vợ chồng đã vượt qua mọi khó khăn để ông ăn học và nuôi dạy 4 người con. Sau khi đã có vị trí trong xã hội Pháp, Giáo sư luôn đau đáu hướng về quê hương đất nước.
Ông đã về tổ quốc 58 lần và vẫn mong: “Nhờ trời cho tôi sức khỏe, khi càng có sức khỏe tôi càng giúp cho đất nước mình” và “làm cho hai nước Pháp và Việt Nam xích lại gần nhau”. Đó là “bổn phận của những người như tôi”.
Ông luôn trăn trở phải làm gì cho Việt Nam, để cho Việt Nam không bị lệ thuộc vào công nghệ và kỹ thuật nước ngoài.
Trong cuộc sống, ông, bà đã nuôi dạy con, cháu theo nền giáo dục truyền thống của Việt Nam, chú trọng việc dạy dỗ tiếng Việt và văn hóa Việt.
Thậm chí, theo lời một người bạn của gia đình kể lại, ông đã từng muốn cả 4 cô con gái lấy chồng Việt (nhưng ông, bà lại chỉ có rể Pháp, những chàng rể mà “đôi khi ông còn gần gũi hơn cả con mình”).
Khi ra đi, nhiều dự án mang dấu ấn của ông sẽ được đồng nghiệp, người thân và học trò tiếp tục. Một trong số đố là Chương trình đào tạo kỹ sư từ năm học tới sẽ được mở tại Đại học Công nghệ Việt nam, với sự phối hợp của các hãng hàng không Vietnam Airlines và Airbus.
Dự kiến, mỗi khóa học sẽ có 45 học viên, nhằm tạo một nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản và ổn định cho công nghiệp hàng không vũ trụ Việt Nam.
Ngoài ra, gia đình sẽ thành lập một quỹ mang tên Foundation Đoàn Kim Sơn, cấp học bổng cho học sinh giỏi ngành hàng không vũ trụ Việt Nam và giúp trẻ em nghèo ở TP.HCM.
Thêm một con người nữa trong cộng đồng người Việt tại Pháp hết lòng vì ngành hàng không Việt Nam ra đi. Ông đã để lại rất nhiều cho đất nước, cộng đồng người Việt tại Pháp.
Mọi người sẽ luôn ghi nhớ hình ảnh một con người hiền lành, thẳng thắn và đầy nghị lực. Các thế hệ học trò được Thầy ân cần chăm chút, trước đây cũng như sau này, sẽ tiếp tục góp phần chắp cánh cho Việt Nam bay cao, bay xa…
Theo Thành Vân – Tuổi trẻ