Thu,… nhớ bạn nơi xa

Đang ăn cơm, đứa con gái chợt hỏi: “Bố có quay lại Pháp thăm bà Adrienne không”. Tôi trả lời: “Có chứ, bố rất muốn, bố sợ sẽ không bao giờ được gặp lại bà ấy nữa…”.

Mỗi khi nhắc lại những câu chuyện về Jean Piere (JP) nó đều bắt tôi kể lại những giây phút cuối chúng tôi ở bên nhau, lần này cũng vậy. Ông JP lê những bước nặng nhọc cố giúp tôi xách chiếc túi du lịch, băng qua tầng hầm để đến sân ga, việc mà cách đây 10 năm ông có thể nhấc một tay chạy băng băng. Tàu sắp đến, ông nghẹn ngào trong tiếng thở gấp: Có lẽ tao sắp phải về với Chúa rồi mà mày thì ở quá xa. Sống lưng tôi lạnh ngắt vì biết ông sẽ nói gì tiếp, tôi khỏa lấp: Phải chống lại tự nhiên JP ạ, trái tim của chúng ta sẽ mãi ở bên nhau dù là sống hay chết. Nước mắt lưng tròng, cái miết tay vào cửa kính… Nghe tôi kể đến đây, nước mắt lăn tuôn trên gò má đứa con gái, rơi cả vào bát cơm nó đang ăn. Nó ngượng và gượng cười, cơm mặn quá bố ạ. Con thương ông JP, tôi ôm nó vào lòng thầm cảm ơn nó đã thấu hiểu và chia sẻ với tôi.

Về nước được hơn một năm, tôi sinh thêm cháu Na. Hai đứa con cách nhau 3 năm, cơm áo gạo tiền nhưng tôi không bao giờ quên họ, những người bạn Pháp. Mỗi cuộc điện thoại JP đều hỏi thăm tường tận về hai đứa con Ten và Na của tôi. Ông cố phát âm thật chuẩn tên hai đứa mỗi khi nhắc về chúng như sợ tôi không vui hay thất thố nếu phát âm sai. Ngày con tôi phát âm được những câu đầu tiên, tôi phone chúc mừng năm mới hai vợ chồng JP và Adrienne, con nói đi Bonne Annee JP, nghe được câu đó từ miệng con trẻ, ông hét vang trong phone thích thú và cảm động. Tiếng Pháp của tôi và ông không được nhiều người nói nữa rồi nhưng tôi sẽ còn nói đến lúc chết vì tôi rất yêu ông và nước Pháp của ông.

426 Content N 1
Tác giả chụp với ông Henri TUE.

Có bao nhiêu người trước và sau ông sẽ gặp nhau ở thiên đường, chắc hẳn họ lại sẽ cùng nhau nói chuyện về Việt Nam, những đứa con bác sĩ của họ trên khắp dải đất chữ S này. Họ yêu Việt Nam đến thế cơ mà. Tôi nhớ mãi ông Tướng về hưu Bernard, tay chống ba-toong đi từng bàn trò chuyện, ngắm nhìn chúng tôi ăn những bát phở Việt trên đất Paris.

Một năm sau đó ông đã mãi ra đi, lặng lẽ như chiếc lá phong mùa thu ở đất Pháp. Vài người ở Hà Nội biết vì còn thư từ với phía bạn, chẳng có ai khóc nhưng ông cũng chẳng cần, những người như ông cho đi mà không hề muốn nhận lại.

Còn ai nữa, bao nhiêu người ở hội Ái hữu với Việt Nam – Lào – Campuchia lo ăn, lo chơi, lo giấy tờ cho hơn 2.000 bác sĩ Việt Nam suốt những năm 1992-2012. Cả ngôi làng Gueme Penfao thuộc vùng Bretagne của Pháp tưng bừng đón gần 100 bác sĩ FFI một năm, tá túc ăn ở cùng với họ. Chia sẻ thức ăn, rượu ngon, phòng ngủ, đưa đi thăm cảnh vật quanh vùng chu đáo như những người cha mẹ, anh chị mình.

Thăm lại ngôi làng đó sau 10 năm, cảnh vật chẳng đổi thay mấy nhưng trời ạ! Nhiều người già đã chẳng để tôi gặp và nói một lời cảm ơn từ Việt Nam. Người trẻ đã lên thành phố, người trung niên vẫn vồn vã thăm hỏi khi biết tôi đến từ Việt Nam. Tôi ghé thăm Henri TUE và tặng ông hộp chè ngon Thái Nguyên. Ông đã 97 tuổi rồi, hàng ngày chỉ vẽ tranh Thiên Chúa, ông cho tôi xem tác phẩm của mình. Chao ôi! Thiên Chúa thật thánh thiện và đáng ca ngợi. Ông cũng vậy, người con Việt xa Tổ quốc gần 100 năm, đã làm bao điều tốt đẹp cho chúng tôi và đất nước này. Vài tháng sau khi về Việt Nam, trong email của tôi lại hiện dòng tin ngắn ngủi kèm mấy tấm ảnh của ông chụp với bác sĩ Việt Nam, báo tin Henri TUE đã về với Chúa. Tôi mân mê mấy tấm carte visit của ông có địa chỉ của một người họ hàng ở Hà Nội mà tôi còn chưa kịp đến thăm để nói chuyện… ân hận, tiếc nuối.

Sắp đến ngày giỗ ông rồi JP nhỉ. Có những đêm mơ gặp ông mừng cuống quít, tỉnh dậy vẫn thấy mình đang nói ú ớ tiếng Pháp. Càng gần đến đó tôi càng nhớ ông nhiều. Tôi sẽ lại mời ông về ăn nem. Giờ thì ngủ đi JP thân yêu!

Hà Nội, những ngày Thu 2017
BS. Hoàng Cương

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài