Nỗi khổ làn sóng nhập cư: Từ châu Âu tới nước Mỹ

Những người nhập cư không được chào đón ở hầu hết các nước giàu, ngay cả ở những nước đang rất cần mở rộng lực lượng lao động để bù lại cho lực lượng lao động bản địa đang ngày càng thu hẹp lại do tình trạng già hóa dân số.

Tuy nhiên, công dân ở những quốc gia giàu có này, dù tôn giáo hay sắc tộc của họ là gì, thì họ vẫn không thích làn sóng lớn những người nhập cư và sẽ “trừng phạt” những chính trị gia nào để điều đó xảy ra.

Và bài toán về làn sóng người nhập cư không phải của riêng lục địa già châu Âu mà nó cũng là “nỗi khổ” của nước Mỹ.

132 1 Noi Kho Lan Song Nhap Cu Tu Chau Au Toi Nuoc My

 

Từ phong trào dân túy phản đối nhập cư ở châu Âu

Ở châu Âu, làn sóng nhập cư là nguyên nhân chính khiến chủ nghĩa dân tộc dâng cao với sự nổi lên của các đảng dân túy cánh hữu đồng thời với sự suy yếu của các đảng trung tả.

Khi lượng người nhập cư vào châu Âu tăng đột biến từ năm 2015, các đảng dân túy cánh hữu đã lợi dụng tâm lý bất an của người dân liên quan đến vấn đề nhập cư và "bản sắc dân tộc" để "cổ xúy" chủ nghĩa bài ngoại và bài Hồi giáo nhằm gia tăng sự ủng hộ của cử tri.

Thấy rõ nhất là Italy khi liên minh gồm đảng Phong trào 5 sao và đảng Liên đoàn lên nắm quyền với sự cứng rắn hơn nhiều trong các chính sách nhập cư. Việc từ chối cho con tàu Aquarius chở hơn 600 người di cư được cập cảng nước này là điều rõ nhất.

 132 2 Noi Kho Lan Song Nhap Cu Tu Chau Au Toi Nuoc My

Italy từ chối cho tàu Aquarius chở hơn 600 người di cư cập cảng nước này. Ảnh: Reuters

Cũng có một sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước Đông Âu và Tây Âu trong vấn đề nhập cư. Các nước khu vực này phản đối người nhập cư một cách mạnh mẽ và sẵn sàng từ chối "hạn ngạch" tiếp nhận người nhập cư mà EU áp cho từng thành viên. Đối với các nước Trung và Đông Âu, dù việc gia nhập EU đem lại lợi ích lớn về kinh tế, song việc bị ép buộc phải tiếp nhận người nhập cư khiến tư cách thành viên EU không còn "hấp dẫn" nữa.

Các nước Tây Âu giàu có với vai trò "đầu tàu" của EU, có chính sách "mềm" hơn nhiều so với các nước Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, áp lực từ sự phản đối trong nước khiến họ không thể cứ mãi "cởi mở" với làn sóng nhập cư.

Điển hình là Đức. Vốn có chính sách cởi mở với những người nhập cư, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bị chỉ trích khá nhiều, đặc biệt là sau những vụ tấn công do chính những người di cư, tị nạn thực hiện. Vấn đề này sẽ càng khiến bà Merkel đau đầu hơn bởi sự bất đồng nội bộ trong liên minh cầm quyền của mình sau khi Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer kêu gọi ngăn chặn làn sóng người nhập cư đã đăng ký ở các nước EU khác nhập cảnh Đức.

Ông Seehofer là Chủ tịch Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), liên minh với đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel. CSU đã cho bà Merkel đến đầu tháng 7 phải đi đến một thỏa thuận. Nếu thất bại, đó sẽ là điều gây nguy hiểm cho chính phủ liên minh của bà.

132 3 Noi Kho Lan Song Nhap Cu Tu Chau Au Toi Nuoc My

Thủ tướng Angela Merkel có thể sẽ phải chiều lòng CSU để đảm bảo "an toàn" cho liên minh cầm quyền. Ảnh: Global

Đồng minh thân cận nhất của bà Merkel trong EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã cứng rắn hơn trong lập trường về người nhập cư, khi nói với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte rằng những người đang xin tị nạn nên được quản lý bởi các trung tâm được thành lập bên ngoài châu Âu.

Dù tuyên bố này của ông là trên tinh thần nhân đạo, rằng ông không muốn những người không có cơ hội xin tị nạn ở châu Âu phải chết trên Địa Trung Hải hay sống trong những điều kiện "không đáng", nhưng nó cũng có nghĩa là Pháp sẽ siết chặt hơn vấn đề nhập cư.

 132 4 Noi Kho Lan Song Nhap Cu Tu Chau Au Toi Nuoc My

Tới chính sách nhập cư không khoan nhượng của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề người nhập cư khi coi họ "không có gì ngoài mối đe dọa". Đó là lý do cho chính sách nhập cư "không khoan nhượng" - chính sách khiến những đứa trẻ bị chia tách khỏi cha mẹ ở biên giới Mỹ - Mexico.

Việc trẻ em bị chia cắt khỏi bố mẹ ở khu vực biên giới Mỹ - Mexico đã làm dấy lên làn sóng phản đối ở Mỹ. Điều đó khiến ông Trump ngày 20/6 đã phải từ bỏ chính sách tách trẻ em khỏi cha mẹ nhập cư bất hợp pháp bằng việc ký sắc lệnh yêu cầu các gia đình nhập cư bất hợp pháp bị giam giữ cùng nhau trong quãng thời gian thủ tục tố tụng hình sự diễn ra, mặc dù điều đó có thể vi phạm quy định rằng trẻ em chỉ có thể bị giữ tối đa trong 20 ngày.

Tổng thống Mỹ tuyên bố quyết định này không kết thúc chính sách "không khoan nhượng" của Mỹ mà chỉ giữ các thành viên gia đình bên nhau, đồng thời "đảm bảo rằng nước Mỹ có một biên giới an ninh".

132 5 Noi Kho Lan Song Nhap Cu Tu Chau Au Toi Nuoc My 

Bé gái Honduras gào khóc khi mẹ em bị khám xét ở biên giới Mỹ.

Bài toán cần một lời giải toàn diện

Đối với nhiều người, các "mối đe dọa" giờ đây dường như có mối liên hệ không thể chối cãi với những "người nhập cư". Nhiều người cho rằng, "những người mới đến" làm gia tăng tỷ lệ tội phạm trong khi họ lại được hưởng những dịch vụ được trả bằng tiền đóng thuế của người bản địa. Người châu Âu đặc biệt không thích những người nhập cư Hồi giáo, lo ngại những người đó có thể sẽ bao gồm cả những phiến quân trà trộn để lên kế hoạch hành động khủng bố ở nước sở tại.

Lợi thế của những người bạn mới, trẻ và chăm chỉ, những người sẽ tự mình đóng thuế, có nghề nghiệp ổn định đã không còn hấp dẫn những công dân bản địa cho dù điều đó mang lại sự đa dạng văn hóa.

Ở Pháp, anh Mamoudou Gassama người Mali được coi là "người hùng" khi trèo lên ban công tầng 4 để cứu một đứa trẻ 4 tuổi sắp bị rơi. Được đặc cách trở thành công dân Pháp và sự khích lệ từ Tổng thống Pháp Macron là một điều đáng mừng đối với một người nhập cư không giấy tờ như Gassama. Thế nhưng không phải ai cũng có thể "gặp may" được như thế.

Áp lực của những người nghèo trong thế giới giàu là một trong những cảnh tượng đáng tiếc nhất trong những năm qua. Nó sẽ không mất đi và cũng khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Những người di cư từ Châu Phi và Trung Đông, đặc biệt là các vùng chiến sự, sẽ tiếp tục đổ về những nước giàu và bản thân họ sẽ tiếp tục bị "đẩy trả lại".

Các nhà lãnh đạo, cả từ các đảng tự do và bảo thủ, sẽ có ít lựa chọn ngoài việc phải "chiều lòng" cùng các đảng phản đối người nhập cư nếu họ còn muốn nắm quyền lực.

Bài toán đau đầu về làn sóng nhập cư cần một giải pháp toàn diện, không thể chỉ trong phạm vi những nước giàu mà còn từ trong phạm vi biên giới của chính những nước nghèo. Bởi chính nghèo đói và xung đột, vốn đang ngày càng chia rẽ thế giới, mới chính là nguyên nhân dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt./.

 132 6 Noi Kho Lan Song Nhap Cu Tu Chau Au Toi Nuoc My

Bức tường biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn làn sóng người nhập cư. Ảnh: AFP

Nguồn: Thùy Linh/ VOV

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài