Mỹ quan ngại trước 'sự áp bức' của Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ cho rằng việc Trung Quốc can thiệp hoạt động khai thác dầu khí lâu nay ở Biển Đông có thể gây bất ổn an ninh năng lượng trong khu vực.

Trong thông cáo với tiêu đề "Sự áp bức của Trung Quốc với hoạt động dầu khí trên Biển Đông", Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7 cho biết Washington quan ngại trước những báo cáo về việc Bắc Kinh có hành vi can thiệp hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam.

Thông cáo nhấn mạnh "hành động lặp đi lặp lại" của Trung Quốc nhằm vào hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi "đe dọa an ninh năng lượng khu vực, đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ - Thái Binh Dương tự do và cởi mở".

132 1 My Quan Ngai Truoc Su Ap Buc Cua Trung Quoc O Bien Dong

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi đầu năm từng lưu ý rằng "bằng cách ngăn chặn sự phát triển ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng chế, Trung Quốc đã ngăn các quốc gia ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể phục hồi trị giá 2,5 nghìn tỷ USD".

"Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, bên cạnh những nỗ lực khác nhằm tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, trong đó có việc sử dụng dân quân biển để gây sức ép, cưỡng chế và đe dọa các quốc gia khác, đang làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực", thông cáo nêu rõ.

"Mỹ kiên quyết phản đối hành vi cưỡng chế và đe dọa từ bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ cũng như hàng hải của mình", thông cáo có đoạn. "Trung Quốc cần kiềm chế tham gia vào những hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 19/7 cho biết nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trong những ngày qua đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Bà Hằng nêu rõ đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam, theo người phát ngôn.

Theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Đối với thềm lục địa, quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó.

Vũ Hoàng (Theo Reuters, US Department of State)

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài