Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra quan điểm dứt khoát liên quan đến quyết định của Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng Chín tới, tức là nếu không có thay đổi thì không thể tiếp tục đàm phán.
Ông Trump nói rằng Mỹ đang có các cuộc đàm phán rất tốt với Trung Quốc, song cảnh báo nếu Bắc Kinh có hành động trả đũa thì Washington sẽ lập tức có biện pháp đáp trả. (Nguồn: SCMP)
Ngày 15/8, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ có những động thái đáp trả cần thiết nếu Mỹ tiến hành áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc. Bộ này khẳng định các biện pháp thuế quan của Mỹ đã vi phạm sự đồng thuận giữa lãnh đạo hai nước và đi chệch hướng khỏi việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
“Ăn miếng trả miếng”
Quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định áp thuế mới và Bắc Kinh phản ứng bằng cách tạm dừng tất cả các giao dịch mua hàng nông sản của Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 13/8 cho biết Chính phủ Mỹ sẽ hoãn việc áp các mức thuế 10% đối với hàng hóa điện tử nhập khẩu của Trung Quốc đến ngày 15/12, song vẫn sẽ xúc tiến kế hoạch áp các mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD kể từ ngày 1/9 như đã tuyên bố trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/8 cho biết kế hoạch đàm phán thương mại với Trung Quốc vào tháng Chín vẫn diễn ra như dự định và hai bên sẽ tiếp tục đàm phán qua điện thoại. Ông Trump nói rằng Mỹ đang có các cuộc đàm phán rất tốt với Trung Quốc, song cảnh báo nếu Bắc Kinh có hành động trả đũa thì Washington sẽ lập tức có biện pháp đáp trả.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh cùng ngày, người đứng đầu Nhà Trắng cho hay,a Trung Quốc muốn đạt một thỏa thuận và đó phải là một thỏa thuận “có những điều khoản phù hợp”, nghĩa là phải đáp ứng các yêu cầu của Mỹ. Trong khi đó, trong một tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng lãnh đạo hai nước sẽ sớm gặp nhau và tìm ra các giải pháp hai bên chấp nhận được thông qua đối thoại và các cuộc tham vấn, trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau.
Tổng thống Trump đang vận động để tái cử vào năm 2020, và hồi năm 2016, ông đã từng vận động trên hồ sơ kinh tế và lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Các đợt tăng thuế trước đây của Chính quyền Tổng thống Trump đã tránh đánh vào các mặt hàng bán lẻ, nhưng đợt áp thuế mới sẽ nhắm tới gần như tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà trước đó không bị ảnh hưởng, đơn cử như hàng điện tử tiêu dùng, quần áo, giày dép.
Nếu bị đánh thuế mới, chắc chắn các công ty bán lẻ sẽ phải chia sẻ gánh nặng chi phí thuế cho người tiêu dùng và đương nhiên người tiêu dùng sẽ phải mua ít đi hoặc chấp nhận dùng đồ chất lượng kém hơn để phù hợp với thu nhập của mình.
Quyết định áp mức thuế mới lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD của ông Trump là điều bất ngờ đối với nhiều người, kể cả với các nhà đàm phán của phía Mỹ - Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Stephen Mnuchin, những người mới trở về từ Thượng Hải, nơi diễn ra vòng đàm phán tiếp theo với Trung Quốc. Không có bước đột phá nào trong các cuộc thảo luận, nhưng cũng không ai mong đợi sự leo thang mới trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Chính sách “áp lực tối đa” thất bại
Mới đây, theo tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, một số hàng hóa Trung Quốc sẽ được loại trừ khỏi danh sách tăng thuế vì an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng và các lý do khác, bên cạnh việc hoãn lại đến ngày 15/12 việc áp dụng mức thuế mới đối với một số mặt hàng. Đến tháng 12/2019, quần áo và hàng dệt may, điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game, nhiều loại đồ chơi trẻ em, màn hình máy tính sẽ không phải chịu thuế. Nhìn chung, các mặt hàng tiêu dùng và phổ cập được miễn thuế.
Có nhiều lý do có thể dẫn đến “bước ngoặt” mới trong hành động của Mỹ. Rõ ràng chính sách “áp lực tối đa” của Washington đã khiến các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc. Đồng thời, điều quan trọng đối với ông Trump là duy trì sự ổn định xã hội trong nước trước cuộc bầu cử năm 2020. Do đó, những bất ổn kinh tế nghiêm trọng do xung đột thương mại gây ra không có lợi cho ông.
Trao đổi với Sputnik, chuyên gia Cui Lei từ Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Viện các vấn đề quốc tế phân tích, chính quyền Mỹ đang chịu áp lực từ các nhà công nghiệp. Ban đầu, Mỹ lên kế hoạch áp thuế từ ngày 1/9, điều này sẽ có tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng và nhà sản xuất nước này do Trung Quốc hàng năm xuất khẩu sang Mỹ một lượng lớn hàng điện tử, thực phẩm, nguyên liệu thô.
“Nếu thuế được áp dụng cho tất cả các hàng hóa này, thì giá tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng vọt, và chi phí sản xuất sẽ gia tăng. Điều này gây hại cho nền kinh tế, và chỉ số thị trường chứng khoán giảm. Rõ ràng là nếu tiếp tục, kế hoạch này sẽ tạo ra một cú đánh nghiêm trọng vào thị trường vốn và kinh tế Mỹ. Mặt khác, đối với ông Trump, sự ổn định kinh tế cũng rất quan trọng trong bối cảnh chính trị, cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo đang đến gần”, ông Cui Lei nhận định.
Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này cũng đưa ra quan điểm dứt khoát liên quan đến quyết định của Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng Chín tới, tức là nếu không có thay đổi thì không thể tiếp tục đàm phán.
Tại một Hội thảo tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Nghiên cứu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bà Zhang Xuechuna kêu gọi Trung Quốc cần ứng phó với các biện pháp đơn phương và bảo hộ thương mại của Mỹ bằng việc cải cách mở cửa trong nước.
Bà Zhang Xuechuna cho hay, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhu cầu trong nước, mức độ phụ thuộc vào xuất nhập khẩu thấp hơn vài năm trước. Trung Quốc có tiềm năng phát triển lớn, chẳng hạn như chuỗi công nghiệp và khả năng tiếp tục nâng cao trình độ đô thị hóa và không gian phát triển của nền kinh tế. Điều Trung Quốc cần làm hiện nay là ngăn chặn và xử lý các rủi ro lớn, xóa đói giảm nghèo, phòng chống ô nhiễm, kiên trì cải cách kết cấu khung cung ứng và mở cửa có trật tự.
Chuyên gia Cui Lei cho rằng, việc hoãn áp thuế tạo ra một cơ sở thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Trên thực tế, phía Trung Quốc trong các cuộc đàm phán qua điện thoại mới đây đã lần đầu tiên thể hiện ngôn ngữ ngoại giao cứng rắn, ngôn từ quyết đoán, chỉ trích các hành động của Mỹ nhằm tăng thuế nhập khẩu.
Theo THNK, Sputnik
© 2024 | Thời báo PHÁP